Tết đoàn viên là dịp mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau trang trí mâm cỗ nào là bánh trung thu, trái cây, lồng đèn,… tạo nên những mâm cỗ trông trăng thật đẹp mắt, người lớn hay trẻ em đều rất háo hức góp đôi bàn tay nhỏ bé của mình tạo nên mâm cỗ to chất chứa thật nhiều tình cảm. Cùng tham khảo bài viết để biết thêm cách trang trí mâm cỗ trung thu nhé.
Ý nghĩa mâm cỗ trung thu
Vào đêm trăng tròn tháng 8, cả nhà cùng nhau phá cỗ ngắm trăng đã trở thành 1 phong tục đẹp của người Việt từ bao đời nay. Mâm cỗ trung thu với ý nghĩa đủ đầy, cầu cho 1 năm sung túc, ấm no, mong ước các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy, cầu mong tình cảm gia đình luôn gắn kết, yêu thương và hạnh phúc đầm ấm, mọi sự viên mãn.
Tùy từng vùng miền mà mâm cỗ trung thu sẽ có những thay đổi trong các món ăn, trái cây xuất hiện trong mâm cỗ sẽ khác nhau mang đến những ý nghĩa khác. Nhưng nhìn chung mâm cỗ trung thu lúc nào cũng luôn đầy ắp với ước mong ấm no hạnh phúc, mùa màng thu hoạch bội thu đối với người nông dân.
Mâm cỗ trung thu thường có gì?
Theo phong tục, ngoài bánh trung thu truyền thống mâm cỗ sẽ có thêm trái cây tùy theo vùng miền, lồng đèn và hoa tươi trang trí xung quanh sao cho đẹp mắt vun đầy để cầu may mắn phúc lành cho gia đình. Cùng khám phá chi tiết xem mâm cỗ trung thu sẽ có những món đặc trưng gì nhé
Bánh trung thu
Bánh trung thu chính là thứ bánh đặc trưng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đoàn viên, chiếc bánh hình vuông hoặc tròn tượng trưng cho trời đất thay cho lời cảm ơn thiên nhiên đã mang đến mùa màng bội thu và cầu mong 1 năm mưa thuận gió hòa.
Ngoài ra chiếc bánh trung thu hình tròn còn có ý nghĩa viên mãn, trọn vẹn, đủ đầy, con cháu sum vầy quây quần bên nhau thể hiện sự hiếu thảo, lòng biết ơn. Chiếc bánh trung thu hình vuông tượng trưng cho tình yêu thương, hạnh phúc của con người, sự tự do khám phá những điều mới.
Trái cây
Các loại trái cây xuất hiện trong mâm cỗ trung thu có thể khác nhau theo từng địa phương, mang đến những ý nghĩa khác tuy nhiên vẫn tạo nên mâm trái cây vun đầy, đầy đủ màu sắc đẹp mắt.
Bưởi
Bưởi chính là loại trái cây đặc trưng trong mâm cỗ mà hầu như vùng miền nào cũng có, hình tròn căng đầy của bưởi thể hiện sự đủ đầy, sung túc, trọn vẹn cho gia đình, vỏ bưởi xanh mướt tượng trưng cho sự thanh mát, trong lành, hương thơm đặc trưng thể hiện sự giản dị mà thanh khiết.
Từng múi bưởi khéo léo qua đôi bàn tay của mẹ kết hợp thêm vài loại trái cây khác trở thành những con chó bưởi đẹp mắt mà trẻ nhỏ đều thích mê, người lớn thì tấm tắc khen.
Thanh long
Trái thanh long tượng trưng cho rồng bay phượng múa, trời đất dung hòa, vỏ ngoài màu đỏ bắt mắt, thu hút được xem là sẽ mang đến tài lộc cho gia đình mang lại cuộc sống sung túc, an bình.
Lựu
Trái lựu với lớp vỏ ngoài màu ngà vàng hoặc ửng hồng, bên trong từng hạt lựu đỏ thắm, mọng nước, ngọt dịu mang đến ý nghĩa sinh sôi nảy lộc, con cháu đuề huề, sum vầy lúc nào trong nhà cũng tràn ngập tiếng cười trẻ thơ.
Na (mãng cầu dai)
Trái na với vẻ ngoài căng tròn, bên trong được chia làm nhiều tép nhỏ, khi ăn sẽ có độ dai và vị ngọt thanh tự nhiên mang ý nghĩa lâu dài, trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chuối
Chuối là loại trái cây quen thuộc, gần gũi thường được dâng lên tổ tiên, nải chuối đầy đặn, chắc khỏe vươn ra hứng trọn tinh hoa của đất trời, nải chuối thể hiện sự thành kín, lòng biết ơn đối với tổ tiên, đất trời.
Các loại lồng đèn truyền thống
Lồng đèn trung thu với nhiều kiểu dáng, màu sắc đa dạng khác nhau, từ lồng đèn tre truyền trống hình ông sao, cá chép đến lồng đèn hiện đại chạy bằng pin, phát sáng, phát nhạc.
Mỗi chiếc lồng đèn trung thu đều mang 1 ý riêng thông qua hình dáng của chúng, đèn ông sao 5 cánh tượng trưng cho sự cân bằng, hài hòa âm dương, đèn cá chép tượng trưng cho sự nỗ lực, không ngừng vươn lên, đèn kéo quân thể hiện sự hiếu thảo, lòng yêu thương đối với ông bà cha mẹ.
Nhang (hương) đèn
Khói nhang (hương) được xem như là mùi hương dẫn lối đưa thần linh, tổ tiên đến nhận đồ lễ mà con cháu dâng lên. Việc thắp nhang còn mang ý nghĩa gửi những lời cầu mong gia đình bình an, sức khỏe đến với thần linh, tổ tiên, cầu mong được che chở, phù hộ.
Mâm cỗ thường có đầy đủ nhang, đèn, giấy tiền cúng, sau khi hóa vàng (đốt giấy tiền cúng) thì cả nhà cùng nhau phá cỗ, thưởng thức các món ăn ngon, ngắm trăng, chuyện trò vui cười.
Hoa tươi
Hoa tươi với nhiều màu sắc sặc sỡ, hương thơm tự nhiên vừa tạo điểm nhấn cho mâm cỗ, vừa mang đến không khí thanh mát, hương thơm dễ chịu cho mọi người.
Các loài hoa khác nhau sẽ mang đến những ý nghĩa khác nhau như: hoa cúc với màu vàng tượng trưng cho tài lộc, phúc khí, sự trường tồn phồn vinh, hoa lay ơn tượng trưng cho tình cảm dài dâu, sự thủy chung, tình cảm ấm áp, hoa cúc đồng tiền tượng trưng cho tiền tài thịnh vượng, ngoài ra còn mang ý nghĩa may mắn, cầu mong sức khỏe, thọ niên.
Cách bày mâm cỗ trung thu
Tùy vào sự khéo léo của đôi bàn tay khi kết hợp các loại bánh, trái cây, hoa tươi, … để trang trí mâm cỗ trung thu vun đầy đẹp mắt. Dưới đây là cách bày mâm cỗ trung thu đơn giản theo 3 bước sẽ giúp bạn trang trí dễ dàng hơn.
Xác định kích thước mâm cỗ để mua số lượng bánh trái cho phù hợp
Bạn cần xác định được kích thước của mâm cỗ để dự đoán được lượng bánh, trái cây cần mua sao cho không quá ít khiến mâm cỗ k được vun đầy, không quá nhiều gây ra dư, lãng phí.
Khi mua nên chú ý đến màu sắc của các loại trái cây có màu tươi sáng, kết hợp hài hòa mà thu hút, có thể sử dụng trái thơm hoặc bưởi làm trụ ở giữa, xung quanh trang trí thanh long, lựu, na, quýt, hồng, nho, …
Tỉa hoa và trái cây thành các con vật
Hình ảnh con chó bưởi chính là đặc trưng của mâm cỗ trung thu, phần thân được gắn kết từ đu đủ, cam hoặc táo, lớp lông xù bên ngoài chính là từng múi bưởi, ngoài ra còn làm con cóc ngậm tiền bằng quả su su, con cá bằng trái thanh long, …
Ngoài dùng trái cây để tạo hình hoa, trái còn được sử dụng để điêu khắc như 1 tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc hoa lá từ trái dưa hấu, đu đủ, … tùy vào sự khéo tay và sáng tạo mà bạn có thể trổ tài để trang trí cho mâm cỗ thêm thu hút.
Sắp xếp mâm cỗ sao cho hợp lý cân đối
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, mâm trái cây đã đủ đầy, hoa tươi đã được cắm vào bình, trái cây đã được cắt tỉa đẹp mắt, bạn chỉ cần sắp xếp sao cho hợp lý, đẹp mắt.
Thường sẽ đặt mâm trái cây ở giữa, xung quanh là các con vật được tạo hình từ trái cây, phía trước trang trí những thứ thấp hơn như bánh trung thu, kẹo, xôi, chè và phía sau là những chiếc đèn trung thu sặc sỡ. Cuối cùng bạn sắp xếp lại 1 chút cho ngay ngắn, nhìn cho đẹp và thuận mắt là được.
Gợi ý 15 mẫu trang trí mâm cỗ trung thu đẹp
Mâm cỗ trung thu 1
Mâm cỗ trung thu 2
Mâm cỗ trung thu 3
Mâm cỗ trung thu 4
Mâm cỗ trung thu 5
Mâm cỗ trung thu 6
Mâm cỗ trung thu 7
Mâm cỗ trung thu 8
Mâm cỗ trung thu 9
Mâm cỗ trung thu 10
Mâm cỗ trung thu 11
Mâm cỗ trung thu 12
Mâm cỗ trung thu 13
Mâm cỗ trung thu 14
Mâm cỗ trung thu 15
Bài viết đã gợi ý cho bạn 15 cách trang trí mâm cỗ trung thu đơn giản nhưng vẫn đẹp độc đáo hút mắt, ngoài ra còn giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của mâm cỗ trung thu, ý nghĩa của những thứ xuất hiện trong mâm cỗ như: bánh trung thu, trái cây, hoa, … Hy vọng với đôi bàn tay khéo léo bạn sẽ sáng tạo nên những mâm cỗ trung thu thật đẹp mắt.