Vào ngày rằm tháng 8, cả nhà thường sum vầy, quây quần cùng nhau phá cỗ, thưởng trăng. Vậy bạn có biết phá cỗ trung thu là gì không? Ý nghĩa của phá cỗ trung thu và phá cỗ trung thu gồm những gì? Cùng Mordan Bakery tìm hiểu rõ hơn về nét văn hóa đẹp này nhé.
Phá cỗ trung thu là gì?
Vào buổi tối đêm rằm tháng 8, mỗi nhà thường sẽ chuẩn bị 1 mâm cỗ bao gồm: bánh trung thu, kẹo, trái cây được cắt tỉa thành các con vật, hoa tươi, và những chiếc lồng đèn trung thu được trang trí xung quanh, tất cả được sắp xếp gọn gàng tạo nên 1 mâm cỗ đầy ắp đẹp mắt.
Mâm cỗ sẽ được đặt giữa sân để cúng bái tổ tiên, sau khi cúng bái xong cũng là lúc trăng đã lên cao, sáng và rõ nhất thì người lớn sẽ cắt chiếc bánh trung thu ra chia cho mọi người, mỗi người 1 miếng thể hiện sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, cùng nhau san sẻ những yêu thương, ai cũng cảm nhận được sự ấm áp của cái Tết đoàn viên.
Người lớn thì cùng nhau ăn bánh, uống trà, thưởng trăng, trò chuyện nói cười, hỏi thăm nhau, trẻ con trong nhà thì ca hát, xách lồng đèn chạy vòng vòng tạo nên 1 khung cảnh vô cùng rộn ràng mà lại sum vầy, ấm áp chan chứa tình cảm gia đình.
Ý nghĩa của phá cỗ trung thu
Phá cỗ trung thu được xem như 1 nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Việc chuẩn bị mâm cỗ vun đầy như thay cho lời cảm ơn đến trời đất đã ban cho mùa màng bội thu, cầu mong 1 năm sẽ mưa thuận gió hòa, sung túc, ấm no, mong ước các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy, tình cảm gia đình luôn gắn kết, yêu thương và hạnh phúc đầm ấm, mọi sự viên mãn.
Việc phá cỗ như mong muốn những lời nguyện cầu, những ước mong đó sẽ trở thành sự thật. Mọi người cùng nhau phá cỗ thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết, sum vầy, chia nhau những miếng bánh, cái kẹo, trái cây thể hiện sự san sẻ, giúp đỡ nhau, cả nhà cùng nhau ăn bánh, uống trà, ngắm trăng càng làm cho mọi người thêm khít lại gần nhau hơn.
Ngoài ra việc phá cỗ, thưởng trăng còn mang ý nghĩa vận mệnh quốc gia, tiên đoán cho mùa màng năm sau, nếu khi phá cỗ, trăng thu lên cao có màu vàng sẽ là 1 năm được mùa đối với người nông dân, mưa thuận gió hòa thuận lợi phát triển, nếu trăng thu màu xanh lục sẽ là năm thiên tai mọi người cần cẩn trọng, nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước yên bình, thịnh trị, phồn vinh, mọi người ấm no hạnh phúc.
Phá cỗ trung thu gồm những gì?
Trung thu mỗi năm chỉ 1 lần nên ai cũng muốn có buổi tối phá cỗ thật ý nghĩa, các thành viên cùng nhau sắm sửa để có 1 mâm cỗ đủ đầy, nhà cửa được dọn dẹp gọn gàng, trang trí đẹp mắt, mỗi người 1 tay góp sức tạo nên 1 cái Tết trung thu trọn vẹn.
Cả nhà cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ với bánh trung thu truyền thống bánh nướng, bánh dẻo hoặc các loại bánh trung hiện đại, kẹo đủ sắc màu, trà, trái cây sẽ được chưng vào dĩa, mâm, hoặc cắt tỉa thành các con vật như: con chó bằng bưởi, con ếch bằng củ su su hay điêu khắc hoa lá lên dưa hấu, đu đủ, những chiếc lồng đèn sẽ được trang trí xung quanh giúp làm tăng thêm màu sắc và không khí trung thu.
Tùy vào từng điều kiện của mỗi gia đình mà mức độ hoành tráng, sự đang dạng của các loại bánh trái sẽ được thay đổi, tuy nhiên cơ bản nhất vẫn có sự xuất hiện của bánh nướng hoặc bánh dẻo, trái bưởi và lồng đèn.
Cách phá cỗ trung thu
Chuẩn bị mâm cỗ cúng
Mọi người cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ trung thu với đủ đầy các loại bánh kẹo trái cây. Chính giữa mâm cỗ là con chó xù được làm từ bưởi, xung quanh sẽ có các con ếch được làm từ củ su su, hoặc những con cá được làm từ trái thanh long, … tùy vào sự sáng tạo của mỗi người mà tạo ra những con vật khác nhau.
Phía trước mâm cỗ sẽ đặt những chiếc bánh trung thu, kẹo hoặc xôi chè nếu có, phía sau thường sẽ trang trí bằng những chiếc lồng đèn cho bắt mắt và có thêm không khí trung thu, hoa tươi có thể cắm vào lọ hoặc cắm xung quanh mâm quả đều được, sao cho nhìn hợp và đẹp mắt nhé.
Tết trung thu rước đèn đi chơi
Sau khi bày mâm cỗ cúng ra giữa sân, người lớn cùng trẻ nhỏ trong xóm thắp sáng những chiếc lồng đèn, rước đèn đi khắp phố phường, vừa đi vừa hát ca vang “ tết trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, … “.
Đây là hoạt động mà trẻ em rất mong chờ, vừa để khoe chiếc lồng đèn xinh đẹp mà ba mẹ mua cho, vừa là những giây phút vui cười ca hát thoải mái cùng bạn bè và gia đình. Đối với những trẻ nhút nhát, thông qua những hoạt động như vậy sẽ giúp bé thêm tự tin, mạnh dạn hơn, phát triển hơn về mặt cảm xúc, tình cảm.
Múa lân
Hoạt động múa lân, múa rồng càng làm tăng thêm không khí náo nhiệt cho đêm trung thu nên rất được mọi người mong chờ đặc biệt với các trẻ nhỏ bởi sự vui vẻ, hài hước của ông địa đi trước đoàn lân.
Với niềm tin rằng lân, rồng đến nhà sẽ mang những điều tốt đẹp, tài lộc, thịnh vượng cho gia chủ, nên sau khi biểu diễn ở địa điểm cụ thể, đội lân thường sẽ được 1 số gia đình mời vào nhà biểu diễn rồi trao hồng bao.
Phá cỗ
Sau khi rước đèn và xem biểu diễn múa lân, múa rồng trở về nhà thì đây cũng là lúc trăng lên cao, sáng nhất, mọi người cùng nhau đứng trước mâm cỗ để cúng bái tổ tiên, cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình, cầu 1 năm mưa thuận gió hòa, gia đình đầm ấm, con cháu luôn sum vầy, hiếu thảo.
Cúng bái tổ tiên đã xong cả nhà cùng nhau phá cỗ, người lớn chia bánh, trái cho con cháu trong nhà, thể hiện sự san sẻ, giúp đỡ nhau. Cả nhà cùng nhau ăn bánh, uống trà, thưởng trăng, trò chuyện tâm giao, trẻ con thì xách lồng đèn cười đùa nô nức chạy vòng quanh tạo nên không khí vui tươi nhưng ấm áp tình cảm gia đình.
Hy vọng qua bài viết này sẽ phần nào giúp bạn hiểu được phá cỗ trung thu là gì ? Ý nghĩa của phá cỗ trung thu. Cùng người nhà của mình tạo nên 1 cái Tết trung thu thật trọn vẹn, đầy ý nghĩa để trẻ nhỏ có những ký ức đẹp về trung thu nhé.