Bạn muốn tự tay làm ra những chiếc bánh trung thu thơm ngon cho người thân nhưng thành phẩm cho ra không ngon đạt chuẩn. Cùng Mordan Bakery tìm hiểu ngay bí quyết làm bánh trung thu ngon để cho ra những mẻ bánh đạt chất lượng nhé.
Nấu nước đường bánh trung thu đúng chuẩn
Nước đường cần được nấu cùng với chanh để có mùi thơm đồng thời giúp bảo quản nước đường được lâu hơn. Khi nấu cần canh chỉnh nhiệt độ vừa phải để nước đường không bị khét mà vẫn đạt được độ sánh đặc nhất định.
Bạn cần sử dụng đúng loại nước đường cho bánh nướng và bánh dẻo riêng biệt, điều này sẽ giúp lớp vỏ bánh ngọt mềm hơn mà lại không bị khô hay nhão bột.
Nếu là nước đường bánh nướng sau khi nấu xong bạn cần để khoảng 1 tháng mới mang đi làm bánh, lúc này nước đường sẽ lên màu vàng đẹp và có độ sánh đặc nhất định. Nếu là nước đường bánh dẻo thì bạn nấu loãng hơn và có màu vàng nhạt hơn, có thể sử dụng ngay ngày hôm sau nếu cần gấp hoặc sử dụng sau 7 ngày là được.
Độ ngọt của nước đường chính là chất bảo quản tự nhiên của bánh trung thu vì vậy bạn cần nấu nước đường có độ ngọt chuẩn, màu sắc của nước đường cũng 1 phần quyết định đến màu sắc của bánh nướng, nước đường bánh nướng để càng lâu thì bánh sau khi nướng càng vàng đẹp.
Chọn đúng bột để làm vỏ bánh trung thu xốp mềm không bị khô
Lớp vỏ bánh nướng có xốp mềm hay không, lớp vỏ bánh dẻo có mềm dai hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn lựa chọn loại bột để làm vỏ bánh.
Dòng bánh trung thu nướng bạn có nhiều sự lựa chọn từ bột bánh trung thu pha sẵn tiện lợi hoặc bột mì đa dụng, bột bánh ngọt tuy nhiên bạn cần pha lại để vỏ bánh được xốp mềm mà không bị quá khô hay quá cứng.
Trong quá trình trộn bột bánh nướng bạn có thể thêm vào 1 ít bơ đậu phộng, dầu ăn hoặc trứng gà để vỏ bánh được xốp mềm và thơm hơn.
Dòng bánh trung thu dẻo tương đối dễ khi chỉ sử dụng bột bánh dẻo được làm từ nếp đã rang chín rồi xay nhuyễn ra. Khi trộn bột chỉ cần cho nước đường bánh dẻo cùng ít tinh dầu hoa bưởi để bánh được thơm hơn là được. Có thể thêm vào ít màu tự nhiên, bột matcha, bột cacao, … để tạo màu sắc cho bánh giúp bánh thêm đẹp mắt hơn.
Sên nhân ngọt đúng cách
Đối với những loại nhân ngọt như: đậu xanh. đậu đỏ, hạt sen, khoai môn, … bạn cần sên đúng cách để phần nhân ngọt bùi mà còn giúp bảo quản bánh được lâu.
Nếu là nhân đậu bạn hãy ngâm đậu qua đêm hoặc ngâm ít nhất 2 tiếng trước khi nấu để đậu được mềm. Đậu sau khi nấu chín bạn mang đi xay nhuyễn và lọc qua rây giúp cho phần nhân được mịn hơn.
Khi sên nhân cần sên trên trên lửa vừa, đảo đều tay để tránh bị khét. Trong quá trình sên nhân bạn cần cho vào 1 ít dầu ăn để nhân có độ mềm mà không bị khô, không nên cho dầu ăn quá nhiều sẽ dễ khiến dầu thấm ra vỏ làm bánh nhanh bị hôi dầu và hỏng.
Sên nhân cho ráo đến khi nhân có thể định hình mà không bị chảy dẹt ra chảo và cảm nhận được độ dẻo mềm của nhân là được. Nếu sên nhân chưa tới phần nhân bánh sẽ khó định hình và nhân dễ bị chảy ra ngoài làm bánh nhanh bị hỏng.
Xem thêm: Cách sên nhân đậu xanh đạt chuẩn
Trộn nhân thập cẩm vừa phải
Phần nhân thập cẩm thường gồm rất nhiều các loại hạt và mứt, bạn nên giã hoặc cắt nhỏ để nhân có độ kết dính tốt hơn khi trộn, không nên mang đi xay sẽ khiến cho nhân quá mịn khi ăn sẽ không ngon và khó cảm nhận rõ được các loại hạt, mứt có trong nhân.
Đối với phần mỡ đường trong nhân thập cẩm bạn nên chuẩn bị trước khoảng 1 ngày để mỡ đường được thấm đều. Mỡ đường sẽ tạo độ béo cho nhân và hạn chế việc nhân bị khô, khi ăn sẽ ngọt béo giòn giòn rất vui miệng.
Khi trộn nhân thập cẩm bạn cần cho vào 1 ít bột bánh dẻo hoặc bột năng để nhân có độ kết dính tốt, tuy nhiên không cho vào quá nhiều sẽ khiến nhân sau khi nướng dễ bị khô cứng. Nặn nhân chặt tay thành từng viên tròn để tạo ra những viên nhân chắc và kết dính tốt.
Năn bánh và ấn khuôn đúng kỹ thuật
Cán mỏng bột để làm vỏ bánh có độ dày khoảng 0,3cm – 0,5cm là vừa, nếu lớp vỏ mỏng quá sẽ dễ bị lộ nhân mà dày quá thì vỏ bánh dễ bị cứng và ăn nhanh ngán.
Để bánh không bị nứt sau khi nướng bạn cần nặn bánh và ấn khuôn đúng kỹ thuật. Khi nặn bánh bạn nên miết thật sát lớp vỏ bánh vào viên nhân để tránh không khí chui vào giữa làm tách nhân.
Khi tạo hình bánh bạn chỉ nên phủ 1 lớp mỏng bột áo trong khuôn để dễ lấy bánh ra mà không làm mờ đi các hoa văn của bánh.
Sau khi cho bánh vào khuôn, dùng tay nhấn nhẹ để bánh lắp đầy khuôn, nhấn và giữ khuôn khoảng 15 – 30 giấy rồi lấy ra để hoa văn trên bánh được sắc nét.
Nướng bánh đúng cách, đúng thời gian và nhiệt độ
Trước khi nướng bánh bạn luôn làm nóng lò trước khoảng 10 – 15 phút để lò đủ nhiệt thì mới cho bánh vào nướng nhé.
Pha hỗn hợp phết bánh gồm lòng đỏ trứng gà, dầu ăn và 1 ít nước để tạo độ bóng vàng cho bánh, không pha quá đặc sẽ khiến khó phết và lớp phết sẽ rất dày dễ làm nứt bánh sau khi nướng.
Sau mỗi lần nướng bạn nên xịt 1 lớp nước để làm ẩm mặt bánh đồng thời giúp bánh nhanh nguội. Khi bánh nguội hoàn toàn thì bạn tiến hành phết hỗn hợp trứng, phết 1 lớp mỏng phủ khắp bề mặt bánh mà không đọng lại ở các kẽ nhé. Nếu phết dày quá bánh sau khi nướng rất dễ bị nứt hoặc mất đi các nét hoa văn trên bánh.
Nên nướng bánh khoảng 3 lần và phết banh1 2 lần để bánh chín đều, đạt được màu vàng cánh gián đẹp mắt. Nhiệt độ và thời gian mỗi lần nướng như sau:
- Lần 1: Nướng 180 – 190 độ C từ 5 – 8 phút tùy theo kích thước bánh mà giảm thời gian nướng lại.
- Lần 2: Nướng 190 – 200 độ C từ 5 – 7 phút.
- Lần 3: Nướng 160 – 180 độ C từ 5 – 8 phút cho đến khi bánh chín.
Bí quyết làm bánh trung thu ngon không khó phải không nào, mỗi bước làm sẽ có 1 mẹo riêng từ đó giúp bạn thành công làm ra những chiếc bánh trung thu thơm ngon chất lượng cho cả nhà. Trổ tài làm bánh trung thu ngay và chia sẻ những bí quyết hay ho này cho các chị em khác nữa nhé.